Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả công việc

Có rất nhiều các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả công việc: thiếu ngủ, đi làm quá xa, làm việc liên tục kéo dài… Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
- KPI đánh giá hiệu quả công việc, bạn đã biết và ứng dụng?
- Kỹ năng tổ chức công việc hiệu quả
- Làm sao để tập trung vào công việc? Xem ngay 5 bí quyết!
- Cách làm việc của người Nhật: 13 điều đáng học hỏi
- Kỹ năng tổ chức công việc và lập kế hoạch hiệu quả
1. Thiếu ngủ
Ngủ bao nhiêu là đủ để làm việc hiệu quả?
Các bác sỹ khuyến cáo bạn nên ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế, thì với nhiều nhân viên văn phòng, điều đó hoàn toàn không xảy ra. Bọng mắt trên gương mặt mệt mỏi cùng những cốc cà phê cạn kiệt đã nói lên điều đó, và một cuộc khảo sát mới đây trên 7000 người cũng cho thấy có đến 23% mắc chứng mất ngủ.
Nguyên nhân là gì? Một trong những nguyên nhân chính gây mất ngủ là do căng thẳng, đặc biệt là căng thẳng tại công sở, theo tạp chí Mayo Clinic. Tuy vậy, những người thiếu ngủ lại không cho rằng sự mệt mỏi có thể là nguyên nhân để xin nghỉ việc, do đó họ đi làm trong trạng thái lờ đờ, uể oải và hậu quả là tiêu tốn của chủ doanh nghiệp 63 tỷ USD/năm do năng suất làm việc giảm sút, theo một nghiên cứu của Đại học Y Havard.
2. Ít tập thể dục
Một yếu tố thường bị chỉ trích là nguyên nhân của chứng béo phì hiện nay là bản chất ít vận động của nhiều công việc. Nghiên cứu năm 2010 của chuyên san y tế The Journal of Occupational and Environmental Medicine đã phát hiện ra rằng những nhân viên bị bệnh béo phì làm việc kém hiệu quả hơn các đồng nghiệp có cân nặng vừa phải.
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ “thích làm việc ngoài giờ” tăng khi chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng, do đó năng suất làm việc của nhân viên nữ có chỉ số BMI từ 30 – 34,9 sẽ giảm tương đương 6,3 ngày làm việc/năm, trong khi nhân viên nam với chỉ số BMI trên 40 giảm 3 tuần/năm. Các chuyên gia cũng ước tính, chứng béo phì của nhân viên làm việc toàn thời gian tại Mỹ ngốn của chủ doanh nghiệp 73 tỷ USD/năm.
3. Chất lượng không khí trong văn phòng làm việc
Năm 1984, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát hành một báo cáo trong đó chỉ ra nhiều tòa nhà văn phòng mới xây có hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí không đạt chuẩn. Những khiếm khuyết này ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong văn phòng nặng nề đến mức gây ra chứng đau đầu, mệt mỏi và thậm chí buồn nôn.
4. Quãng đường từ nhà đến cơ quan
Theo tổ chức Gallup, thời gian đi từ nhà đến cơ quan trung bình là 23 phút. Nhân viên phải đi quãng đường xa hơn cho thấy kết quả tiêu cực hơn về mặt thể chất và cảm xúc. Và do đó, các vấn đề sức khỏe cũng tồi tệ hơn khi độ dài quãng đường từ nhà đến cơ quan xa hơn.
Nghiên cứu cho thấy 19% nhân viên phải đi hơn 30’ để đến nơi làm việc, trong đó 3% mất đến hơn 1 tiếng. Những người phải đi xa hơn dễ bị đau cổ, đau lưng, có hàm lượng cholesterol cao và béo phì.
5. Cử chỉ khiếm nhã nơi công sở
Bất kể bạn là ai hay làm việc ở đâu, luôn có một kẻ nào đó định bắt thóp bạn. Đa phần mọi người, vì lịch sự, sẽ bỏ mặc những kẻ đó, nhưng luôn có những nhân viên không làm chủ cảm xúc được – đôi khi dẫn đến thái độ thù địch, đối đầu nơi công sở.
Sự đối đầu công khai gây khó xử và căng thẳng cho cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc. Nó ảnh hưởng đến năng suất làm việc, làm suy sụp tinh thần, và làm tăng mức độ căng thẳng của những nhân viên khác.
6. Bệnh mãn tính
Hàng giờ liền ngồi trước bàn làm việc thường dẫn đến bệnh đau lưng mãn tính, và sử dụng máy tính liên tục có thể dẫn đến các bệnh khác như hội chứng ống cổ tay. Những vấn đề về sức khỏe như thế khiến nhiều người không thể tập trung hết mình vào công việc được.
Theo Cục thống kê Lao động Hòa Kỳ, rối loạn chức năng lặp đi lặp lại như chứng đau ống cổ tay khiến nhân viên phải nghỉ trung bình 23 ngày làm việc – thậm chí còn lâu hơn thời gian nghỉ dưỡng do các thương tích liên quan đến cháy nổ 11 ngày.
7. Thiếu bảo đảm nghề nghiệp
Trong thời kỳ suy thoái kéo dài, những người vẫn giữ được công việc qua các đợt sa thải tưởng chừng là người may mắn. Nhưng trên thực tế, họ vẫn phải sống trong nỗi sợ, rằng đợt sa thải tiếp theo sẽ đến lượt mình.
Năm 2008, Trung tâm Chính sách Đời sống – Việc làm đã tiến hành một nghiên cứu mang tên “Duy trì hiệu quả làm việc cao trong thời kỳ khó khăn”. Kết quả là các đợt cắt giảm biên chế, sa thải nhân viên là nguyên nhân khiến các nhân viên làm việc kém hiệu quả, do mức độ tin tưởng và trung thành của họ đối với chủ doanh nghiệp tụt xuống khá thấp.
8. Làm việc theo ca
Làm việc theo ca bao gồm các ca tối, ca làm việc luân phiên, v.v… Việc đó dẫn đến những thay đổi trong quá trình trao đổi chất, thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và bệnh béo phì. Đặc biệt, bệnh béo phì, như đã đề cập ở trên là một trong những nguyên nhân làm giảm năng suất làm việc.
9. Thời gian làm việc quá dài
Một nghiên cứu tiến hành năm 2009 cho thấy những người nghiện làm việc – luôn đến sớm nhất và về muộn nhất cũng là những người có mức độ kiệt sức cao và hạnh phúc thấp nhất. Việc này có thể khiến họ có thái độ không hay và gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả văn phòng.
10. Vị sếp “độc hại”
Ở nhiều văn phòng, có những vị lãnh đạo có ảnh hưởng “độc hại” đến nhân viên. Những người này khó chịu đến mức, chỉ riêng sự hiện diện của anh ta/cô ta tại văn phòng cũng khiến không khí trở nên căng thẳng và năng suất làm việc thì bị hạn chế.
Những vị sếp “độc hại” này làm giảm nhuệ khí làm việc, gây ra tỷ lệ thay thế nhân công cao, và biến bầu không khí nơi làm việc trở nên nặng nề – tất cả những điều đó đều làm giảm năng suất làm việc.
Deltaviet.vn sưu tầm và biên tập